logo-scavi

(VN) Forbes Vietnam 2024 | Tập đoàn Scavi biến Việt Nam trở thành một trong những nơi cung cấp sản phẩm nội y cao cấp trên thế giới

Post Related

Chào xuân Giáp Thìn 2024, Scavi vinh dự được xuất hiện trên trên tạp chí Forbes Việt Nam, trong số báo Cơ Hội Mới, Vận Hội Mới, với tựa đề “Bán đồ NHỎ, thu tiền TO”. Scavi phát huy vai trò tiên phong, biến Việt Nam trở thành một trong những đầu mối cung cấp sản phẩm nội y cao cấp trên toàn thế giới. Dưới đây là chi tiết nội dung buổi phỏng vấn của phóng viên Forbes Việt nam tại trụ sở Scavi Biên Hòa, Việt Nam.

Cuối năm 2022, THƯƠNG HIỆU NỘI Y HOA KỲ VICTORIA’S SECRET công bố chi 400 triệu đô la Mỹ mua lại nhãn hàng Adore Me thành lập năm 2012 có trụ sở tại New York. Một giao dịch giữa hai công ty Hoa Kỳ bên kia bờ Thái Bình Dương đã mở ra cơ hội lớn với các nhà máy may mặc tại Việt Nam cách đó 14 ngàn km: chen chân vào chuỗi cung ứng cho một thương hiệu nội y lừng danh thế giới. Hơn 10 năm trước đó, các nhà máy này đã cung ứng toàn bộ chuỗi giá trị dịch vụ sáng tạo từ thiết kế đến giao hàng tận cảng cho Adore Me, hãng bán đồ nội y nhấn mạnh đến cá tính của người dùng chuyên phối trên kênh trực tuyến. Công ty đó là Scavi thuộc tập đoàn Pháp, Financière B’Lao (tên cũ Corèle International).

Ông Nguyễn Chí Thành, tổng giám đốc Scavi Group:

Scavi đang làm ‘Cuộc cách mạng’ trong ngành dệt may nội địa khi tiên phong cung cấp công cụ đo lường phát thải trên từng sản phẩm cho các thương hiệu. Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng tôi làm gia công mà phối hợp cùng họ để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng từ phát triển bộ sưu tập đến tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu, tổ chức sản xuất và giao hàng.

“Scavi đang làm ‘Cuộc cách mạng’ trong ngành dệt may nội địa khi tiên phong cung cấp công cụ đo lường phát thải trên từng sản phẩm cho các thương hiệu. Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng tôi làm gia công mà phối hợp cùng họ để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng từ phát triển bộ sưu tập đến tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu, tổ chức sản xuất và giao hàng,” ông Nguyễn Chí Thành, tổng giám đốc Scavi Group nói với Forbes Việt Nam tại trụ sở chính ở Biên Hòa (Đồng Nai). Những năm qua ngành dệt may Việt Nam xác lập vị thế quan trọng trên toàn cầu. Giờ đây, một số cái tên nổi bật trong ngành như Scavi tiếp tục củng cố chiều sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, thích nghi với yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Scavi Group do ông Trần Văn Phú, người Pháp gốc Việt, thành lập năm 1988. 7/10 nhà máy trên toàn cầu của tập đoàn đặt tại Việt Nam, số còn lại ở Pháp, Lào và Trung Quốc. Hằng năm, công ty sản xuất khoảng 150 triệu sản phẩm nội y, đồ tắm và đồ thế thao cho nhiều thương hiệu lớn như Armani, Versace, DIM, Decathlon, Hanesbrands, Adore Me, Vanity Fair…Doanh nghiệp 20.000 nhân sự này duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm trong hơn 36 năm qua, cao hơn trung bình ngành dệt may Việt Nam. Chiếm 40% doanh thu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Scavi, chỉ xếp sau EU (khoảng 50%) và phần còn lại đến từ châu Á. Với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 40,3 tỉ đô la Mỹ, trên bản đồ đệt may thế giới, Việt Nam thuộc top ba nước xuất khẩu sau Trung Quốc và Bangladesh.

Năm vừa qua là năm khó khăn cho ngành dệt may Việt Nam khi đơn hàng giảm sút khiến kim ngạch xuất khấu giảm 9,2%. Bóng mây lạm phát và suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển thát lưng buộc bụng. Nhiều nhà sản xuất may mặc Việt Nam buộc phải sa thải công nhân, giảm quy mô hoạt động. Doanh thu Scavi năm 2023 đạt trên 4.000 tỉ đồng và vẫn duy trì lao động ổn định. Cuối năm 2023, công ty bận rộn phát triển bộ sưu tập mùa hạ 2025 cho khách hàng, với thời gian giao hàng từ tháng 9.2024 đến tháng 3.2025. Mô hình cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho phép Scavi nhìn xa, nắm được nhu cầu thị trường từ xu hướng thiết kế đến nguồn lực cần chuẩn bị trước từ 18-24 tháng. Trung bình mỗi năm, Financière B’Lao dành 10-15 triệu đô la Mỹ cho ngân sách đầu tư nghiên cứu phát triển.

Tình hình tài chính của công ty lành mạnh khi công ty không nợ ngân hàng và sẵn nguồn tài chính dự phòng để tiếp tục phát triển, cho dù thị trường chung còn có thể tiếp tục khó khăn. Năm nay, Tập đoàn sẽ đầu tư thêm hai nhà máy đạt chứng nhận công trình xanh EDGE tại Huế và Quảng Trị nhằm đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu.

Ông Nguyễn Chí Thành chia sẻ:

Sau hơn 30 năm, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư lý tưởng…

Ông Vũ Đức Giang, chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận xét doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 35% về số lượng nhưng đóng góp gần 60% giá trị xuất khẩu. Chuỗi giá trị ngành dệt may quốc tế gồm năm công đoạn chính: Thiết kế – Phát triển kỹ thuật – Sản xuất nguyên phụ liệu – Sản xuất – Phân phối và Tiếp thị. Trong đó, các mắt xích giá trị gia tăng cao nhất như thiết kế, phát triển kĩ thuật, phân phối và marketing do các công ty tại các quốc gia phát triển nắm giữ. Trái lại, các mắt xích hàm lượng giá trị gia tăng thấp như sản xuất (may) nằm chủ yếu tại châu Á, ở các quốc gia đang phát triến. Scavi nắm trong số ít những doanh nghiệp FDI tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, không chi đáp ứng tiêu chuẩn về sản xuất như đa số đơn vị cùng ngành. Thay vì chi tận dụng lợi thế về chi phí lao động thực hiện gia công, Scavi theo đuổi con đường hợp tác trực tiếp cùng khách hàng thương hiệu thiết kế bộ sưu tập, phát triển kỹ thuật đến tìm kiếm nguyên vật liệu, tổ chức sản xuất và giao hàng. Từ mức giá mục tiêu bán cho khách hàng cuối, họ xây dựng công thức giá cho các mắt xích trong chuỗi giá trị, đảm bảo tất cả đều đạt mục tiêu cả về chất lượng lẫn lợi nhuận. Với khoảng 3.000 người cung cấp dịch vụ thiết kế, nghiên cứu phát triển thị trường – sản phẩm, Scavi đặt mục tiêu đạt biên lợi nhuận 25%, cao hơn mức trung bình của ngành, thông qua việc thành lập câu lạc bộ kết nối với khách hàng (thương hiệu) và bạn hàng (cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất).

Có ba yếu tố giá thành quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may, gồm nguyên phụ liệu, chi phí sản xuất và logistics. Scavi tự tin tối ưu hóa được cả ba. Về tố chức nguồn nguyên vật liệu (vải, ren, thun, chi…) họ có năng lực thỏa thuận mua số lượng lớn với các chủ hàng với mức giá thấp hơn 10% ước tính ban đầu. Sau hơn 10 năm thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa”, kêu gọi doanh nghiệp cùng ngành như New Wide, Best Pacific, Carvico… về Việt Nam đầu tư, hiện 60% nguyên phụ liệu Scavi mua từ các nhà cung cấp trong nước, tiến tới mục tiêu 100% để có chi phí tối ưu và đáp ứng tiêu chí về nguyên liệu trong các hiệp định thương mại tự do.

CEO của SCAVI chia sẻ:

Các thành viên trong câu lạc bộ thương thảo dựa trên mục tiêu cùng thắng, đi cùng nhau với số lượng lớn và minh bạch giá.

Trong ngành sản xuất nội y, các nguyên liệu chính có tính chất co giãn cao, doanh nghiệp cần loại máy chuyên biệt, tinh chỉnh, đảm bảo thành phẩm chi tiết đạt độ chính xác đến từng milimet. Đội cơ điện tự tạo ra bộ cự ly giúp công nhân lành nghề hay mới vào đều có thể may đúng đường kim mũi chỉ. Kết hợp các loại máy cái, họ cải tiến thêm cánh tay cho máy, làm lại chân vịt thành miếng rộng hơn, vừa chân công nhân nữ; điều chỉnh ghế ngồi phù hợp chiều cao của từng người. Từ việc bố trí lại chỗ ngồi: công nhân trong chuyền theo hình chữ U, đường thẳng hay kiểu lớp học… họ giảm thời gian sản xuất trên một sản phẩm. Theo ông Thành, năng suất lao động năm sau đều cao hơn năm trước 20%.

Ngành dệt may Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ đầu thập niên 1990 đến nay đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề lao động và xuất khẩu thu hút ngoại tệ. Vài năm gần đây, sự nổi lên của các quốc gia như Bangladesh, Campuchia khiến có những ý kiến quan ngại về các đối thủ cạnh tranh mới sẽ đe dọa vị thế của Việt Nam. Một số nghiên cứu trong ngành đánh giá ngành dệt may của Bangladesh đang phát triển nhanh chóng về năng suất và chất lượng nhưng hiệu quả sản xuất của công nhân Việt Nam vẫn cao hơn 10-15%. Một lợi thế quan trọng cho ngành dệt may Việt Nam, theo một báo cáo phát hành đầu năm 2022 của WTO, chất lượng sản phẩm, thời gian sản xuất và tính bền vững khiến sản phẩm may mặc Bangladesh chưa tốt bằng Việt Nam. Bên cạnh đó, về thị trường tiêu thụ, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các nước phát triển nhất thế giới (G20). Các hiệp định thương mại tự do được ví như “nền tảng miễn thuế toàn cầu” (trừ Mỹ) cho việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam.


Bà Nguyễn Hoài Xuân Lan, đồng sáng lập Coolmate, doanh nghiệp bán ra thị trường nội địa khoảng ba triệu sản phẩm nội y nhận xét về Scavi: “Đơn vị này hoạt động bài bản, làm được hết các khâu của chuỗi giá trị dệt may, đặc biệt là thiết kế và chủ động được nguồn nguyên phụ liệu.


Ông Thành sinh năm 1978, học tài chính ngân hàng tại đại học Kinh tế Quốc dân rồi sang Pháp học tiến sĩ ngành quản lý doanh nghiệp. Ông gia nhập Scavi khi trở về Việt Nam từ năm 2008, từng bước thăng tiến và được bổ nhiệm trở thành tổng giám đốc của công ty từ năm 2021. Hiện toàn bộ ban điều hành tập đoàn này không thuộc gia đình nhà sáng lập, minh họa cho văn hóa doanh nghiệp “thăng tiến không giới hạn”: một người không có quan hệ thân thích cũng có thể trở thành quản lý cao nhất nếu chứng minh năng lực và giá trị phù hợp. Tại Scavi, nhân sự làm việc tốt có cơ hội được chọn vào danh sách thành viên cốt yếu, nhận số cổ phần tương đương ba năm tiền lương. Hiện tại, khoảng 1.400 thành viên cốt yếu nắm khoảng 7% cổ phần tại Tập đoàn.

pexels rene asmussen 13965152

Quy mô thị trường nội y thế giới ước đạt hơn 350 ti đô la Mỹ vào năm 2023, theo Euromonitor. Trong đó, thị trường EU chiếm khoảng 30%, châu Á – Thái Bình Dương 25% và Bắc Mỹ khoảng 20%. Nhóm các sản phẩm nội y và đồ tắm đang chiếm khoảng 70% doanh thu của Scavi nhưng trong tương lai ngành hàng quần áo thể thao kỳ vọng sẽ thay thế vị trí này. Các hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt việc mở rộng quan hệ đối tác thương mại với nhiều nền kinh tế lớn được kỳ vọng mở ra cơ hội khác cho Scavi khi DNA phát triển của công ty dựa trên sự sáng tạo để tạo ra giá trị gia tăng. “Chúng tôi tham vọng trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình, điều mà chưa tập đoàn Việt Nam nào làm được,” ông Thành nói về mục tiêu năm 2028 doanh thu vượt mốc một tỉ đô la Mỹ, đồng nghĩa nâng nhịp tăng trưởng từ 30-35% mỗi năm.

Theo tạp chí FORBES Vietnam (Tháng 1, 2024)

Post Related

Scroll to Top